Tin tức
Canh tác công nghệ cao ở cao nguyên
Có sự hỗ trợ của Nhật,các doanh nghiệp nhỏ trong ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi phương pháp sản xuất, đạt tăng trưởng cao. Phong Thúy của ông Nguyễn Hồng Phong, một doanh nghiệp có 27 năm trong ngành, là một điển hình.
Con đường quanh co dẫn lên trang trại của Phong Thúy, công ty sản xuất thương mại nông sản có trụ sở ở Đức Trọng, Lâm Đồng chạy xuyên qua vùng đồi núi đất đỏ rộng lớn được phủ xanh bởi những thửa ruộng trồng rau và hoa trải dài đến hết tầm mắt. Dưới cái nắng của vùng cao nguyên, ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc công ty Phong Thúy vừa đi kiểm tra các thửa ruộng rau, vừa giới thiệu một nhóm giáo sư người Nhật thuộc công ty Zensho đang thu thập các mẫu hành củ để phân tích và gửi về Nhật trên một thửa ruộng trong trang trại rộng 30 héc ta của mình. “Zensho đã trồng thử nghiệm ở đây ba năm rồi, năm nào họ cũng đưa các giáo sư sang nghiên cứu để lai giống và trồng thử nghiệm tiếp tục vào năm sau,” ông Phong nói.
Theo giải thích của ông Phong, các giống hành hiện nay ở Việt Nam có độ cay không phù hợp với người Nhật, nên Zensho trồng thử nghiệm giống hành của Nhật ở Phong Thúy, nếu thành công thì sẽ phát triển thành vùng sản xuất chuyên xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây chỉ là một trong ba trang trại trong vùng sản xuất rau 130 héc ta theo định hướng ứng dụng công nghệ cao của Phong Thúy, trong đó công ty này sở hữu 50
héc ta, và liên kết hợp tác với 14 trang trại trên diện tích 80 héc ta còn lại. Phong Thúy công bố doanh thu 120 tỉ đồng năm 2016, chủ yếu từ
12 ngàn tấn rau, sản phẩm chủ lực là cà chua, bắp cải, xà lách và ớt. Ngoài 10% xuất khẩu, họ cung cấp thị trường nội địa: 20% cho chợ đầu
mối, đa số còn lại cung cấp cho các siêu thị như Saigon Co.op, Aeon, Satra hay Lotte.
TP.HCM là thị trường chính của những doanh nghiệp sản xuất rau ở Lâm Đồng như Phong Thúy. Với diện tích hơn 58 ngàn héc ta trồng rau và sản lượng hai triệu tấn năm 2016, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá Lâm Đồng là vựa rau củ lớn nhất cung cấp cho thị trường phía Nam. Báo cáo của JICA cho thấy, sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng nặng về mô hình hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chiếm 92%, với khoảng 500 ngàn hộ có diện tích trung bình 0,4 héc ta. Mô hình hợp tác xã chiếm 3% nhưng “không hoạt động tốt do thiếu vốn và năng lực”. Mô hình công ty chiếm 5% được tổ chức tốt hơn, hoạt động cũng tốt hơn và có uy tín hơn, nhưng mô hình này vẫn chưa được nhân rộng. “Quá nhiều các hộ trồng độc lập nhỏ lẻ sẽ dẫn đến việc phối hợp kém hiệu quả trong chuỗi giá trị cũng như làm giảm đi sức cạnh tranh của rau Lâm Đồng,” JICA tổng kết.
Là một trong 67 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất nông sản công nghệ cao ở Lâm Đồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay 40% diện tích rau của Phong Thúy là trồng trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng các công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng thủy canh, quản lý dịch hại, thiên địch bằng các chế phẩm sinh học. “Ngoài ra chúng tôi còn áp dụng phương pháp trồng luân canh, thu hoạch loại rau này xong thì trồng loại rau khác để
hạn chế sâu bệnh cây trước không ảnh hưởng đến cây sau, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,” ông Phong giải thích.
Tuy nhiên, thị trường rau an toàn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Kantar, hiện chỉ có khoảng 18% người tiêu dùng Việt Nam thường mua sắm ở siêu thị, và theo số liệu từ BigC, một trong những hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam, lượng rau an toàn chiếm chưa tới 10% lượng rau bán ra năm 2016 của hệ thống siêu thị này.
Thị trường chưa phát triển cũng đồng nghĩa với còn nhiều tiềm năng. Kantar ước tính đến năm 2020, 24% người tiêu dùng Việt Nam sẽ sử dụng siêu thị, trong khi đó BigC đang có những chiến lược để đẩy mạnh lượng giao dịch rau an toàn lên khoảng 15% đến năm 2020, với những hoạt động cụ thể như tăng cường truyền thông trong hệ thống hay tìm thêm nguồn cung ứng, tăng chủng loại sản phẩm. Và Lâm Đồng đang triển khai
những kế hoạch cho một cuộc cách mạng nông nghiệp tại tỉnh này.
Nằm ở độ cao 800 – 1.500m so với mực nước biển, Lâm Đồng có khí hậu ôn hòa, khá lý tưởng để phát triển sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đồng thời nông nghiệp tại đây có lịch sử phát triển lâu đời và chiếm trên 50% giá trị sản xuất của tỉnh. Hạn chế là Lâm Đồng chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hoạt động sau thu hoạch chưa phát triển, cung cấp sản lượng lớn không ổn định, chất lượng chưa đảm bảo, chi phí sản xuất cao, và chưa xây dựng chiến lược nhận diện thương hiệu. Trong khi Nhật là nước nhập khẩu rau và hoa tại thị trường châu Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ vươn lên thay thế Trung Quốc và Malaysia trong tương lai. Vì vậy trong buổi đối thoại hợp tác nông nghiệp Việt – Nhật diễn ra vào tháng 6.2014, tỉnh Lâm Đồng được chọn trở thành mô hình kiểu mẫu trong kế hoạch phát triển nông nghiệp trung và dài hạn của Việt Nam và Nhật Bản. “Nông sản ở Lâm Đồng sẽ không tập trung vào sản lượng mà sẽ tập trung phát triển chất lượng,” Makoto Miyauchi, giám đốc Dream Incubator Việt Nam, công ty Nhật Bản tư vấn cho dự án phát triển nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng đa ngành cho biết. Các doanh nghiệp như Phong Thúy đang hưởng lợi từ cuộc chuyển đổi như vậy.
Với những hoạt động tư vấn và cung cấp tài chính, JICA đang hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, cũng như triển khai thực hiện các bước chiến lược như xây dựng trung tâm sau thu hoạch thí điểm và trung tâm giao dịch hoa nhằm cải thiện và chuẩn hoá chất lượng sản phẩm rau và hoa, xây dựng thương hiệu để tăng nhận diện cho các sản phẩm nông nghiệp và du lịch cho tỉnh Lâm Đồng. Phong Thúy được chọn làm mô hình thí điểm xây dựng trung tâm sau thu hoạch công nghệ cao bằng việc áp dụng quá trình phân loại cà chua bằng máy có giá khoảng 500 ngàn đô la Mỹ được hỗ trợ từ JICA. “Mục đích của họ là giới thiệu công nghệ sau thu hoạch từ phân loại, sơ chế, đóng gói, dán nhãn, vào kho bảo quản rồi vận chuyển bằng xe chuyên dùng để quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn, nâng giá trị của sản phẩm lên cao hơn,” ông Phong nói.
Việc áp dụng công nghệ cao vào quá trình sau thu hoạch đang mang lại những hiệu quả rõ rệt cho Phong Thúy. “Trước đây để phân loại ba tấn cà chua chúng tôi phải sử dụng 15 người trong tám giờ, chiếc máy này giúp chúng tôi giảm 70% nhân công và chỉ mất một giờ,” ông Phong chia sẻ. Ông cũng cho biết, hiện nay ở Lâm Đồng đã có nơi làm được chiếc máy “cũng rửa và phân loại kích thước được,” với giá 100 triệu đồng. Công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm sau thu hoạch của các doanh nghiệp như Phong Thúy, mà còn giúp giảm thiểu những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cho nông nghiệp Lâm Đồng. “Năm 2016 do ảnh hưởng El Nino nên mùa mưa đến trễ, hạn hán và nấm bệnh, côn trùng phát triển, sau đó lại mưa nhiều và kéo dài thêm hai tháng nên ảnh hưởng tới chất lượng, sản lượng hàng hóa,” ông Phong giải thích. Điều này khiến sản lượng nông sản ở Lâm Đồng bị giảm, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường, thậm chí có những lúc “nông sản Trung Quốc càn vô tới tận Đà Lạt.” Nhờ áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng chắn côn trùng và hệ thống tưới chủ động, Phong Thúy hạn chế được tác động của môi trường, có sản phẩm chất lượng ổn định và cao hơn thị trường. “Vì vậy năm 2016, chúng tôi vẫn tăng trưởng 20%,” ông nói.
“Tôi bắt đầu trồng rau từ những năm 1990, và chỉ sản xuất theo lối truyền thống,” ông Nguyễn Hồng Phong nhớ lại. Giống như hầu hết những doanh nghiệp khác ở Lâm Đồng, quá trình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp của Phong Thúy là tiến hành cải thiện từng bước và tiếp cận dần dần. Khởi đầu với 4.000m2 rau ở Đức Trọng, ông Phong chỉ nhắm vào những giống cây trồng mang lại sản lượng cao do “những năm 1990 nông nghiệp Việt Nam yếu, và vẫn đang thiếu về thực phẩm.” Tới năm 1995, khi đã phát triển tới quy mô trang trại với năm héc ta, ông bắt đầu áp dụng một vài ứng dụng công nghệ đơn giản vào sản xuất như sử dụng màng ủ nông nghiệp, tưới quay phun mưa, tưới nhỏ giọt, rồi trồng cây trong nhà lưới, tránh côn trùng. Đến những năm 2000, trang trại của ông Phong mở rộng lên 10 héc ta, song đạt quy mô, tiêu chuẩn như nhà kính trồng hoa của Dalat Hasfarm vẫn là “mơ tưởng” của ông do vốn đầu tư quá lớn.
DREAM INCUBATOR (DI)
Dream Incubator Việt Nam là chi nhánh của Dream Incubator Nhật Bản có bề dày kinh nghiệm về tư vấn chiến lược cho khối tư nhân và nhà nước của Nhật Bản và Việt Nam. Từ năm 2014, DI hỗ trợ JIC A thực hiện khảo sát và xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Những bước chiến lược mà DI đang đề xuất và hỗ trợ thực hiện gồm: Xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp; Xây dựng trung tâm sau thu hoạch; Xây dựng trung tâm thu hoạch hoa; Hiện đại hóa sản xuất rau và hoa; Nâng cao hoạt động xây dựng thương hiệu; Phát triển du lịch nông nghiệp; Bồi dưõng nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; Tăng cường nghiên cứu và phát triển.
Năm 2006, ông Phong được tỉnh hỗ trợ sang Úc tham quan, học hỏi theo dự án xây dựng nông sản tiêu chuẩn Asian GAP. Tại đây ông được giới thiệu một số giống mới và hướng dẫn cách ứng dụng công nghệ cao. Trở về, ông làm thử, thấy phù hợp nên bắt đầu tích lũy vốn để đầu tư dần dần. Cùng thời gian này, thông qua các hội thảo trong nước, Phong Thúy ký hợp đồng cung cấp rau sạch cho một vài siêu thị ở TP.HCM. Việc tiếp cận với hệ thống siêu thị không đơn giản. Như ông Phong mô tả, thời gian đó siêu thị cần sản phẩm chất lượng, an toàn nhưng không biết chỗ mua, còn nông dân khi đầu tư công nghệ thì năng suất chung ban đầu sẽ giảm lại không biết bán cho ai. “Khi đi nước ngoài tôi thấy người ta làm như thế nào rồi lập chiến lược làm như vậy. Nhưng tôi thấy là mình phải làm trước, khi thử nghiệm thì làm nhỏ thôi, nếu có định hướng thì sẽ bán được,” ông Phong chia sẻ. Khi nhu cầu hàng hóa vượt quá khả năng cung ứng của trang trại, ông Phong bắt đầu liên kết sản xuất với các nông dân quanh vùng. Để đảm bảo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, Phong Thúy tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, quản lý từ cây giống, gieo ươm, rồi cung cấp cho các hộ liên kết, trang trại công ty, xây dựng quy trình sản xuất, quy trình quản lý việc canh tác trên ruộng, ngày thu hoạch, sơ chế và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cung cấp ra.
Tới năm 2010, Phong Thúy trồng rau trong nhà kính. “Đầu tư nhà kính với hệ thống tưới tự động, màng ngăn côn trùng, lưới chống nắng cần hơn ba tỉ đồng mỗi héc ta nên tôi phải đầu tư dần dần,” ông Phong nói. Đồng thời ông cũng bắt đầu tiếp xúc với các chuyên gia của Nhật Bản và được tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất như ủ men vi sinh, quản lý dịch hại, thiên địch bằng các chế phẩm sinh học. Năm 2014, thông qua dự án phát triển đa ngành của kinh tế Lâm Đồng, ông Phong được JICA cho đi tham quan Nhật Bản và một số nước trong khu vực để tìm hiểu về các công nghệ sản xuất nông nghiệp, tham gia hội nghị để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp cận với nhau để cùng tìm hiểu sâu hơn. “Họ tạo điều kiện cho mình mang hàng sang Nhật trưng bày, rồi tiếp cận với các doanh nghiệp về cơ giới, công nghệ sau thu hoạch, để phát triển những thứ mình đang cần,” ông Phong cho biết.
Sau 27 năm gắn bó với nghề trồng rau cùng những kinh nghiệm học được từ Úc và Nhật Bản, ông Phong đúc kết được ba yếu tố giúp ông phát triển, đó là định hướng sản xuất rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất để nâng cao sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm, và tổ chức hoạt động khép kín để tiết giảm chi phí. Mặc dù nhận định trong thời gian tới, Phong Thúy sẽ khó mở rộng quy mô sản xuất vì phụ thuộc đầu ra cho sản phẩm do hệ thống siêu thị đến nay bị giới hạn, trong khi ngày càng nhiều trang trại cũng sản xuất theo định hướng an toàn và ứng dụng công nghệ cao để tiếp cận vào siêu thị, tuy nhiên người đàn ông 50 tuổi này vẫn rất tự tin với kế hoạch tăng trưởng 20% trong những năm tiếp theo của mình.
Theo Forbes Vietnam số 47